image banner
Tuyên truyền Các hoạt động giáo dục truyền thống nhân kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng
Tuyên truyền các hoạt động giáo dục truyền thống nhân kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thành phố Thanh Hoá, thuộc địa giới hành chính 03 phường: Hàm Rồng, Đông Cương và Thiệu Dương, là quần thể danh lam thắng cảnh - di tích lịch sử văn hóa được quy hoạch xây dựng với tổng diện tích 568 ha, có 22 di tích và công trình văn hóa, gồm 07 di tích cấp quốc gia và 06 di tích cấp tỉnh. Với những địa danh văn hóa, lịch sử gắn liền với chiến thắng Hàm Rồng như: đồi Quyết Thắng (núi Cánh Tiên), đồi C4, cầu Hàm Rồng và Quảng trường Hàm Rồng; Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng; Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, làng cổ Đông Sơn, Đền thờ Lê Uy, Trần Khát Chân... Thực hiện Công văn số 77/CV-BQLHR ngày 11/3/2025 của ban quản lý Hàm Rồng. Với truyền thống đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người có công với đất nước, những anh hùng liệt sỹ hy sinh trên mặt trận Hàm Rồng. Thông qua đó để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống anh hùng, khơi dậy và phát huy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước đồng thời giáo dục thế hệ trẻ, phát huy truyền thống trong học tập, sáng tạo trong lao động; quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phấn đấu xây dựng quê hương Thanh Hóa “phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hướng tới Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (03,04/4/1965 03,04/4/2025), Ban Quản lí di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng xin được trân trọng giới thiệu khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng với những “địa chỉ đỏ”, những hoạt động mang tính giáo dục cao về truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương xứ Thanh để các đơn vị được biết và tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh.

1.     Hoạt động trải nghiệm “Bước chân lịch sử - hào khí đồi C4”:

Đồi C4 được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 974 ngày 21/2/1975.

Trên trận địa đồi C4 bao gồm 2 quả đồi là đồi 57 (ra đa) hay còn gọi là đồi chỉ huy (nay là Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng đang xây dựng) và đồi 54 nơi lực lượng đánh trực diện khi máy bay địch bổ nhào để ném bom xuống cầu Hàm Rồng.

Trong cuộc kháng chiến khốc liệt đó, đã có tới 20 người con đến từ các tỉnh thành khác nhau trong cả nước như Hà Bắc, Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình...hy sinh. Những mất mát đau thương đó đã để lại trong lòng nhân dân Thanh Hóa nói chung và nhân dân Đông Sơn - Hàm Rồng nói riêng một niềm biết ơn vô hạn đối với các chiến sỹ đã ngã xuống nơi này.

Trận địa pháo đồi C4 nằm trên khu vực núi Rồng, có địa thế khá thuận lợi, với tổng diện tích 120.000 m2. Nơi đây đã từng đánh thắng mọi âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ. Trận địa được xây dựng trong vòng nửa tháng bao gồm : 1 hầm chỉ huy, 2 trung đội pháo gồm pháo B1, B2 ; 6 khẩu đội, 1 hầm câu lạc bộ và 2 hầm đạn. Nơi đây đã trở thành nỗi kinh hoàng của phi công Mỹ trong suốt 9 năm đánh phá cầu Hàm Rồng. Cách cầu Hàm Rồng khoảng 500m, án ngữ hướng Đông Nam là hướng chính máy bay địch thả bom xuống cầu Hàm Rồng, vì vậy mà nơi đây được chọn làm trận địa pháo cao xạ.

Hầm câu lạc bộ là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của các chiến sỹ. Hầm có diện tích 30m2, có 2 đường lên xuống. Trước kia đây là vị trí của khẩu đội IV. Trận đánh ngày 28/7/1965, địch cho 4 chiếc F4H vào công kích Hàm Rồng, cả 4 chiếc đều phóng Rốc -két rơi vào công sự.Từ trong bom đạn khốc liệt đó đã có những tấm gương hy sinh anh dũng - Khẩu đội trưởng Khẩu đội 4 Nguyễn Văn Điền bị 11 vết thương trong đó có một vết thương ở bụng, không ngần ngại anh đã dùng cờ chỉ huy bịt bụng và tiếp tục chỉ huy cả khẩu đội chiến đấu. Rồi hình ảnh các pháo thủ bị thương nhưng vẫn quyết tâm không rời vị trí, pháo thủ số 2 vẫn bắt mục tiêu, dật cò và pháo của khẩu đội vẫn nổ ròn rã. Đó là sự hy sinh bình dị đến nghẹn ngào khi các chiến sĩ đã ngã gục ngay trên mâm pháo, miếng cơm trong miệng còn chưa kịp nuốt…

Hầm chỉ huy gồm có 3 đồng chí : đại đội phó, chính trị viên phó và khí tài. Máy bay địch thường bay theo một hướng cố định là hướng Đông Nam vào đánh phá cầu Hàm Rồng, tại đài Ra - đa quan sát do Đại đội trưởng và Chính trị viên trưởng chỉ huy, khi thấy máy bay địch đã vào tầm ngắm thì sẽ lệnh cho hầm chỉhuy. Khi nhận được tín hiệu đánh từ đài ra đa thì đại đội phó sẽ lệnh cho Trung đội pháo B1 (bên trái) và Trung đội pháo B2 (bên phải), nhận lệnh phất cờ để các khẩu đội nhằm thẳng hướng quân thù mà bắn.

Năm 1969, Đại đội 4 là đơn vị đầu tiên của Trung đoàn 228 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Hiện nay, được sự thống nhất của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố Thanh Hóa, Ban Quản lí di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng đã phối hợp Trung tâm văn hóa tỉnh xây dựng kịch bản, phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức triển khai có hiệu quả hoạt động học tập trải nghiệm giáo dục truyền thống cách mạng“Bước chân lịch sử - hào khí đồi C4”.

                    2. Thăm quan cầu Hàm Rồng

Cầu được thực dân Pháp xây dựng lần đầu tiên vào năm 1901 do 2 kỹ sư người Đức thiết kế và thi công. Đến năm 1904, một cây cầu vòm được xây xong rộng 9m, ngày 17/3/1905 khánh thành và cho thông xe. Mục đích xây dựng cầu của thực dân pháp nhằm phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, vơ vét nguồn tài nguyên giàu có của Việt Nam về làm giàu cho chính quốc.

Năm 1947, thi hành chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của Chính phủ cách mạng, Đại đội công binh của Trung đoàn 77 đã cùng anh em công nhân dùng 2 đầu móc hơi nước, 4 toa xe đá đưa vào cầu cùng với 70 kg thuốc nổ, phá sập cầu Hàm Rồng tồn tại 43 năm xuống dòng sông Mã, mở đầu cho tiêu thổ kháng chiến trong Tỉnh Thanh Hóa. Đây là sự biểu hiện quyết tâm cao của nhân dân Thanh Hóa đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Mục đích của việc đánh sập cầu là để cản bước quân giặc từ ngoài vào, từ trong ra và từ biển ngược sông Mã vào. Tuy cầu bị đánh sập nhu cầu đi lại của kẻ thù bị hạn chế nhưng nhân dân Hàm Rồng khi đó vẫn trên bến dưới thuyền, ngày đêm tải lương thực, đạn dược, đưa đón các đoàn quân đi kháng chiến.

Đúng ngày 26/11/1962, cầu Hàm Rồng được khởi công xây dựng do đội Cầu Trần Quốc Bình chịu trách nhiệm thi công. Cầu do kỹ sư người Liên Xô và Trung Quốc thiết kế, thi công theo phương pháp mới. Cầu mới rộng tới 17m, dài 160m, ở giữa là đường sắt, đường ô tô, hai bên là đường dành cho người đi bộ. Cầu được khánh thành đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 74 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1964) nên cây cầu còn có tên gọi khác là Cầu 19/5. Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng không chỉ với nhân dân tỉnh Thanh Hóa mà còn có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước. Đây là cầu đường sắt, đường bộ duy nhất đi qua sông Mã nối liền mạch giao thông chi viện sức người, sức của cho Miền Nam ruột thịt.

Cây cầu chỉ dài 160m nhưng lại ghi dấu nhiều cái “nhất”: “ bom đạm trút xuống nhiều nhất, máy bay Mỹ rơi nhiều nhất, nơi có nhiều đơn vị anh hùng nhất…”. Nếu như cây cầu đầu tiên đẹp nhất, nhẹ nhất, và có một nhịp duy nhất thì cây cầu 19/5 là cây cầu vinh quang nhất, oanh liệt nhất và chiến đấu bảo vệ lâu dài nhất. Chính trong những giờ phút nguy hiểm nhất, ác liệt nhất, người Hàm Rồng vẫn vững vàng tiến lên, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đã lần lượt đánh bại âm mưu đen tối của kẻ thù.

Năm 1967, quân và dân Hàm Rồng lấy đá trắng xếp trên sườn cao của ngọn núi Cánh Tiên thành 2 chữ “ QUYÊT THẮNG” để tỏ rõ quyết tâm tiêu diệt hàng trăm “thần sấm, con ma, pháo đài bay B52” của đế quốc Mỹ tại nơi đây.

           3.Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh ngày 14/6/1972 tại đê sông Mã

Từ năm 1965 đến 1972, miền Bắc nước ta đã đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mĩ. Do thất bại nặng nề trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mĩ ồ ạt cho quân tiến vào miền Nam tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nhằm 3 mục đích: phá hoại tiềm lực kinh tế quốc phòng, phá hoại công cuộc xây dựng XHCN; ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam; làm lung lay ý chí chiến đấu chống Mĩ cứu nước của cả hai miền.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968), các tuyến đê đã trở thành mục tiêu đánh phá của đế quốc Mỹ bởi con đê là sự sống còn của hàng triệu người dân miền Bắc. Chính vì thế, đê Nam Ngạn ở hai bờ sông Mã trong khu vực cầu Hàm Rồng là túi bom của địch nên bị phá hoại rất nhiều, đã được tu sửa để bảo đảm giao thông thông suốt.

Từ năm 1970, Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai, đặc biệt ác liệt từ tháng 4/1972, sau các trận ném bom điên cuồng bằng máy bay B52, nhất là trong các ngày 21,25,26 và 27/4/1972, con đê bị sụt lở nhiều nhưng ta chưa có điều kiện tu bổ. Đến tháng 6/1972, nước sông Mã lên cao, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tỉnh ủy họp bàn phải khẩn cấp bồi đắp đê ngay lúc địch đánh phá dữ dội để bảo đảm giao thông và phòng chống lũ lụt, vì con đê là đầu mối giao thông duy nhất lúc này. Với tinh thần “Giữ được đê là giữ tất cả”, Tỉnh ủy quyết định huy động lực lượng tối đa, thành lập Ban chỉ huy đắp đê và giao cho Đảng bộ và UBND huyện Đông Sơn huy động cấp bách 1.000 người tham gia đắp đê Hàm Rồng. Hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ đặc biệt này, Ban chấp hành Đảng bộ huyện quyết định thành lập ngay Ban chỉ huy công trường đắp đê Hàm Rồng và chọn những lao động giỏi, sức khỏe tốt của 20 xã, mỗi xã một trung đội, tổng cộng 800 người. Lực lượng dân công của thị xã Thanh Hóa huy động 300 người. Giáo viên của các trường 1.000 người. Tổng quân số hơn 2.000 người. Phương châm của Tỉnh ủy đề ra là bảo đảm an toàn cho người là quan trọng nhất nên Ban chỉ huy công trường phân công cứ 5 người làm 1 hầm chữ A. Tất cả các địa phương gửi xe lên công trường làm hầm. Lực lượng cơ giới gồm 30 xe ben, 5 máy xúc DT54, Ban chỉ huy giao nhiệm vụ: Dân công thị xã Thanh Hóa đắp 300m đê, dân công huyện Đông Sơn đắp 500m, giáo viên các trường đắp 100m. Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, công trường lại nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ do đó thời gian làm việc được quy định từ 19 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Như thế sẽ bảo đảm được việc phòng không nhưng lại cản trở việc các đoàn xe vận chuyển ra tiền tuyến nên Ban chỉ huy quyết định chuyển sang làm ban ngày, từ 5 giờ đến 8 giờ sáng. Riêng ngày 14/6/1972, do yêu cầu của dân công muốn được nghỉ Tết Đoan Ngọ nên Ban chỉ huy đồng ý cho anh em làm thêm giờ với sự hăng hái và lòng căm thù giặc Mỹ sâu sắc. Thời khắc định mệnh vào khoảng 8 giờ sáng ngày 14/6/1972 (tức ngày 4/5 Nhâm Tý), bất ngờ, dồn dập và điên cuồng, một tốp máy bay 4 chiếc A7 từ Biển Đông lao thẳng về cầu Hàm Rồng nhưng lại trút bom xuống đầu 2000 con người đang đắp đê sông Mã cách cây cầu 1km, làm chết và bị thương khoảng 400 người, nhiều người vào được hầm cũng hy sinh vì bom rơi trúng hầm hoặc bị thương vì sức ép của bom. Trong khói lửa mù mịt và hoang tàn của chiến tranh, ai đó bỗng thốt lên: “Mỹ đã gây nên tội ác tày trời này, tại sao chúng lại bắn giết những con người không có vũ trang, thật là ghê sợ”. Những con người đó, lúc bấy giờ hi sinh trong khi không một vũ khí trong tay, không có gì tự vệ ngoài những dụng cụ thủy lợi giản đơn. Điều đó đã cho thấy dã tâm của địch. Chúng đánh thẳng vào mục tiêu dân sự, đặc biệt là đánh vào đê điều, đánh vào nơi đông dân cư, giết càng nhiều người càng tốt cốt để làm lung lay ý chí, khủng bố tinh thần nhân dân ta. Chúng đánh bất ngờ bằng các thủ đoạn thâm hiểm nhất, giết người bằng những loại vũ khí cải tiến, tối tân nhất. Chúng đã giết hại hàng trăm con người chỉ trong một giờ đồng hồ - những con người tràn đầy nhựa sống, cướp đi tuổi thanh xuân tươi đẹp của họ. Họ đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa kịp đem kiến thức của mình cống hiến cho sự nghiệp cứu người, trồng người như tâm nguyện. Các anh, các chị là các nữ sinh, giáo sinh, giáo viên ở các trường trung cấp Thương nghiệp, trung cấp Y tỉnh Thanh Hóa, các trường của thị xã, huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ ở khu vực cầu Hàm Rồng - một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân và hải quân Mỹ những năm 1965-1972. Họ ra đi mang theo bao ước mơ và khát khao hoài bão lớn. Nếu ai đã một lần đi qua Hàm Rồng đều có thể nhìn thấy con đê bên bờ nam, chạy từ đầu cầu xuống đến làng Nam Ngạn, nơi ghi dấu của những con người với tuổi đời đôi mươi, quên mình hi sinh vì Tổ quốc.

              4. Công trình Đền thờ các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa

Công trình Đền thờ Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Thanh Hóa được xây dựng nhân kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng ngày 3,4/4/2010 và được xây dựng trên đồi Cánh Tiên, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa với tổng diện tích xây dựng các hạng mục là 150.000 m2. Với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đền thờ khang trang, tầm cỡ; Đền thờ có đầy đủ các hạng mục công trình theo kiểu kiến trúc đền thờ truyền thống, gồm 16 hạng mục đó là: đền thờ chính, tháp tụ linh, gác chuông, gác trống, bia tri ân, Nghi môn, cổng Tứ trụ, các công trình phụ trợ (khu dịch vụ, nhà đón tiếp, sân đường nội bộ, chòi nghỉ, hồ bán nguyệt…).

Đền thờ chính là hạng mục công trình chính, có quy mô xây dựng lớn nhất là hạt nhân chủ đạo trong tổng thể dự án, là nơi quần tụ của linh hồn các anh hùng liệtsỹ, các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi, hùng khí xứ Thanh, vì vậy mà công trình được xây dựng bề thế, có vị trí trang trọng nhất, chi phối toàn bộ cảnh quan tổng thể. Đền chính có 3 gian thờ, ở chính giữa là gian thờ Tổ quốc, bên tay phải là gian thờ Các Mẹ Việt Nam Anh hùng, bên trái là gian thờ các Anh hùng liệt sỹ, xung quanh là 27 bàn thờ Các mẹ và các anh hùng liệt sỹ tương ứng với 27 huyện, thị, thành phố của tỉnh Thanh Hóa.

Khu đền thờ cùng với tháp tụ linh sẽ là nơi hội tụ anh linh các Mẹ, các Anh và hồn thiêng sông núi, nơi đây như một “thư viện tâm linh” để mỗi người con Thanh Hóa tìm về với quá khứ hào hùng của dân tộc.

                  5. Địa điểm đón tiếp Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng: gồm có:

- Phòng trưng bày truyền thống Hàm Rồng: Lưu giữ, trưng bày và giới thiệu các tư liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu về vùng đất Hàm Rồng Anh hùng tới nhân dân và du khách

- Phòng chiếu phim tư liệu: Lưu giữ 20 bộ phim tư liệu quý về Hàm Rồng, cung cấp cho Nhân dân và du khách những tư liệu quý giá về mảnh đất Hàm Rồng anh hùng, về những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, về Hàm Rồng ngày nay – điểm đến lý tưởng hấp dẫn địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, khu du lịch văn hóa trọng điểm của Thành phố Thanh Hóa. Đây là những hoạt động, điểm thăm quan có ý nghĩa giáo 
Tin nổi bật
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND PHƯỜNG QUẢNG PHÚ
Địa chỉ: Phường Quảng Phú, tỉnh Thanh Hóa
Email:
Giấy phép: số .... do .... cấp ngày...
Trưởng Ban biên tập: .....; Chức vụ: .......
Ghi rõ nguồn: Trang thông tin điện tử phường Quảng Phú hoặc https://quangphu.thanhhoa.gov.vn khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.

Website được thiết kế bởi VNPT

image banner